Phân biệt 2 gói tín dụng bất động sản 110.000 và 120.000 tỷ đồng
Hai gói tín dụng nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được dự báo là nguồn vốn mồi khôi phục thị trường bất động sản sớm. Vậy hai gói tín dụng này có gì khác nhau?
Gói cho vay nhà ở xã hội 110.000 tỷ và gói cho vay BĐS 120.000 tỷ đồng
Sáng ngày 17/2 vừa qua tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp xuống các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Cũng tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đã họp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Theo đó thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2%.
Được biết, cả hai gói tín dụng trên đều hướng đến các đối tượng là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, nhiều khả năng gói 120.000 tỷ đồng sẽ mở hơn thêm đối với đối tượng nhà thu nhập thấp.
Mặt khác, gói 110.000 tỷ mà Bộ Xây dựng đang đề xuất sẽ phải nằm trong Đề án Tổng thể về phát triển nhà ở xã hội. Còn gói 120.000 tỷ là chương trình cam kết của các Ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi hơn một chút.
Do đó, gói tín dụng 110.000 tỷ sẽ tiếp tục được xem xét trong một thời gian, trong khi gói 120.000 tỷ sẽ cho phép các ngân hàng thương mại triển khai cho vay ngay.
Hai gói tín dụng sẽ “cứu” thị trường bất động sản ra sao?
Theo thông tin tìm hiểu, đây là hai gói tín dụng hoàn toàn độc lập. Do đó, nếu thuận lợi đón được dòng vốn lớn này, thị trường bất động sản nói chung và phân khúc này nói riêng sẽ sớm có khởi sắc.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch HĐQT Công ty NHS, Hà Nội – cho biết ông rất vui với viễn cảnh nhà ở xã hội được hỗ trợ 2 gói tín dụng lớn. Theo ông, từ trước đến nay bản thân doanh nghiệp ông đã từng làm nhiều nhà ở xã hội nhưng chưa từng được vay vốn ưu đãi. Do đó, đây là một tín hiệu hết sức tích cực cho phân khúc đang có nguồn cung khan hiếm này.
Ông Nam chia sẻ, vì lãi suất cho vay cao như hiện tại nên gói cho vay ưu đãi có lợi nhất đối với người mua nhà. Lãnh đạo Công ty Handico 5 cũng đồng thuận rằng vốn tín dụng quan trọng nhất cho người mua nhà bởi đây là đối tượng cần được ưu tiên hơn chủ đầu tư.
Khi người mua tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, chủ đầu tư sẽ bán hàng nhanh, thu hồi tiền và tiếp tục tái đầu tư. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp và người dân có nhu cầu mua thực mong ngóng 2 gói vay này sớm được triển khai. Bên cạnh đó, người người cũng hy vọng thủ tục cho vay đơn giản, dễ dàng để cả nhà đầu tư và người mua tiếp cận được dòng vốn nhanh nhất.
Làm thế nào để tiếp cận hai gói tín dụng này?
Theo ông Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản tương tự như cơ thể con người, do đó, điều quan trọng là phải cung cấp các chất mà cơ thể có thể hấp thụ. Do đó để tiếp cận hai gói tín dụng này, doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản phẩm, tìm được điểm cân bằng cung – cầu như Thủ tướng nói và kịp thời cắt giảm giá của sản phẩm để thị trường có thể hấp thụ nó.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn cầu (GP.Invest), một trong những công ty bất động sản có mặt tại hội nghị, đã nhận xét, điều đầu tiên thị trường và doanh nghiệp bất động sản nhận thấy đó là Chính phủ đang hết sức quan tâm xem xét tháo gỡ và chung tay cùng với doanh nghiệp.
Ông Hiệp bày tỏ suy nghĩ của mình về các giải pháp được đề xuất trong hội nghị và tuyên bố rằng những lo ngại liên quan đến trái phiếu, giải quyết nợ và tín dụng sẽ được giải quyết nhanh nhất. Các thủ tục pháp lý vẫn đang chờ xử lý, do đó chúng ta phải chờ đợi thêm.
“Với rào cản pháp lý, những vướng mắc về luật mà luật không cho phép thì chưa thể tháo gỡ ngay được. Phải xác định giới hạn nhất định, cái gì gỡ được, cái gì phải chờ luật, các doanh nghiệp cũng phải thấy rõ được điều này”, ông Hiệp nhìn nhận.