Nhà ở xã hội làm nóng thị trường bất động sản 2023

Phân khúc Nhà ở xã hội được đánh giá sẽ rã băng thị trường bất động sản. Theo các chuyên gia, việc ưu tiên nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ đáp ứng nhu cầu thực tế vốn thiếu hụt nhiều năm qua sẽ giúp thị trường vượt qua khó khăn.

Nhà ở xã hội đón nhiều thông tin tích cực

Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2023, phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội đón nhận nhiều thông tin tích cực. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng xây dựng nhà ở xã hội thông qua các ngân hàng thương mại.

Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại. Những đơn vị này sẽ cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dưới hình thức tái cấp vốn. 

Chính Phủ đề xuất gói cho vay 110.000 tỷ đồng đối với phân khúc nhà ở xã hội
Chính Phủ đề xuất gói cho vay 110.000 tỷ đồng đối với phân khúc nhà ở xã hội

Hình thức này tương tự với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được áp dụng trong giai đoạn 2013-2016 trước đó. Chủ đầu tư dự án được vay ưu đãi 50% gói tín dụng trên, tương đương 55.000 tỷ đồng, phần còn lại hỗ trợ cho người mua nhà.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 156/NQ-CP của Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay nhà ở xã hội, các dự án nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, ưu tiên các giải pháp khơi thông dòng vốn để thúc đẩy phân khúc nhà ở này hướng tới nhu cầu thực là phương án khôn ngoan, thiết thực giúp vực dậy thị trường trầm lắng, kém thanh khoản hơn một năm qua.

Nhà ở xã hội được đẩy mạnh ưu tiên
Nhà ở xã hội được đẩy mạnh ưu tiên

Rút ngắn chênh lệch cung và cầu nhà ở

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, nếu được triển khai ngay, gói vay này có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu nhà ở. Ông cho biết, những năm gần đây, thị trường BĐS khan hiếm nhà ở xã hội đến mức 2 năm trở lại đây không có sản phẩm mở bán mới, trong khi nguồn cung cũng vô cùng hạn chế.

Sau 12 năm thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở quốc gia (2010-2020), đến cuối năm 2022, Chính phủ mới xây dựng được 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Con số này chỉ đáp ứng khoảng 42% chỉ tiêu đã đề ra và khoảng 40% nhu cầu đăng ký của người dân. Phân khúc căn hộ giá dưới 30 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường TP.HCM trong giai đoạn 2021 – 2022. 

Căn hộ giá dưới 30 triệu đồng/m2 gần như không còn
Căn hộ giá dưới 30 triệu đồng/m2 gần như không còn

Trong năm ngoái, khoảng cách giữa dư thừa nhà giá cao và khan hiếm nhà giá rẻ đã dẫn đến tỷ lệ nhà ở cao cấp ngày càng tăng, tạo ra sự mất cân bằng thị trường.

Chủ tịch HoREA nhận định, gói tín dụng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến phân khúc này. Tác động tích cực nằm ở yếu tố tạo cú hích, xây dựng cơ chế tái cấu trúc nhóm sản phẩm nhà ở giá rẻ để phù hợp hơn với nhu cầu thực hơn là chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp và hạng sang.

Vẫn cần tháo gỡ về pháp lý

Ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, đánh giá cao các gói tín dụng mới nhưng cho rằng để dòng vốn này chảy vào thị trường thì phải tháo gỡ các vướng mắc pháp lý. Trên thực tế, để được vay vốn ngân hàng thì phải có giấy phép xây dựng. Trong khi đó, việc xin giấy phép xây dựng có thể mất đến nhiều năm. “Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương bãi bỏ càng sớm càng tốt các quy định đối với các dự án đưa sản phẩm ra thị trường và đủ điều kiện để doanh nghiệp, người tiêu dùng dễ dàng nhận vốn từ ngân hàng”, ông Khương nói thêm.

Đối với vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội cần hội tụ nhiều yếu tố, nhất là về quỹ đất và nguồn tiền. Song song với nguồn vốn dự kiến 110.000 tỷ đồng nêu trên, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đang tích cực hoàn thiện pháp lý về đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản đồng bộ, sát thực tế. Cụ thể là sửa đổi, cập nhật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Thuế và các luật khác để giải quyết các vấn đề pháp lý và thu hút doanh nghiệp tham gia.

Chính quyền các địa phương cũng phải hết sức quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là dành quỹ đất và xác định đầu tư làm nhà ở xã hội là hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung, dài hạn.

Đánh giá nội dung này