Nới room tín dụng 2022 và những nhận định từ chuyên gia
Ngày 7/9, thông cáo nới room tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước đã thổi một làn gió mới vào thị trường bất động sản đang ảm đạm.
Trong năm 2022, đây là lần đầu Ngân hàng Nhà nước công bố nới hạn mức cho vay đối với các tổ chức tín dụng. Trước đó, thông thường sẽ có từ 1-2 đợt nới room trong năm.
Ngân hàng nào được nới room tín dụng cao nhất?
Sacombank là ngân hàng có mức điều chỉnh room tín dụng cao nhất lần này với tỷ lệ 4%. Ngân hàng được tăng trưởng tín dụng cao thứ hai là Agribank 3,5%; kế đó là HDBank (HDB) 3,4%; MB (3,2%); OCB (3,1%); và VIB (3%). Vietcombank và Techcombank đều được điều chỉnh thêm 2,7%, trong khi TPBank khiêm tốn hơn với 1,2%. Các ngân hàng khác cũng được nới room tín dụng nhưng tỷ lệ thấp hơn.
Theo Vietcombank, hạn mức tín dụng mới của năm nay là 17,7%. Tín dụng của Vietcombank đã tăng 14,7% so với đầu năm nay. Do đó, ngân hàng có khả năng cho vay lên đến 32.000 tỷ đồng trong những tháng còn lại của 2022.
Agribank, ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất hệ thống, cũng vừa được nới room tín dụng thêm 3,5% so với mức 7% trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc Agribank có khoảng 50.000 tỷ đồng để tung ra thị trường trước cuối năm. Sacombank vẫn còn dư địa cho vay hơn 11.000 tỷ đồng vào cuối năm sau khi được nới room tín dụng thêm 4%.
Hạn mức tín dụng, nên giữ nguyên hay bỏ?
“Với chiến lược dài hạn, NHNN phải bỏ hạn mức room tín dụng”, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết. Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước nhận định: “Việc cấp room chỉ nên coi là giải pháp tạm thời trong 1 đến 2 năm tới. Trong khi nhu cầu vốn đang cần gấp sau 2 năm xảy ra dịch bệnh, mức tín dụng bị quản lý quá chặt, đã “ hãm phanh” các nỗ lực phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân lại cho rằng: “Đúng là doanh nghiệp cần vốn để phát triển và mở rộng hoạt động. Nhưng trên phương diện của các nhà hoạch định chính sách, có nhiều mục tiêu vĩ mô cần đáp ứng, trong đó quan trọng nhất là quản lý lạm phát”.
Cấp hạn mức cho vay cao và quản lý lạm phát là hai vấn đề cần đánh đổi. Thoải mái trong việc nới room tín dụng có thể khiến lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát. “Room tín dụng siết chặt sẽ khiến ngành ngân hàng đi chậm lại trong giai đoạn ngắn, nhưng đây là điều nên làm”, ông nói.
Lãnh đạo NHNN cũng đồng tình “Nền kinh tế Việt Nam có đặc điểm là vốn đầu tư phụ thuộc phần lớn vào tín dụng của ngân hàng. Và vốn tín dụng trên GDP hiện ở mức 124%. Tỷ lệ này đang ở mức rất cao, một khi có biến động toàn cầu hay các doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống ngân hàng. Do đó, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là rất quan trọng vì nếu ngân hàng có vấn đề, mất khả năng thanh toán sẽ gây ra những ảnh hưởng khôn lường cho nền kinh tế.
Nới room tín dụng: Tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản
Theo một số lãnh đạo các ngân hàng, vốn cho vay sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, thương mại cũng như các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như nông nghiệp, xuất khẩu … Những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán và bất động sản vẫn sẽ bị kiểm soát, trừ những hợp đồng cam kết cấp tín dụng từ trước.
Tuy nhiên, việc ngân hàng điều chỉnh nới room tín dụng cho vay vẫn là một dấu hiệu tốt cho cả khách hàng và các nhà đầu tư bất động sản. Mặc dù số lượng và tỷ lệ nới room tín dụng ở các ngân hàng chỉ ở một mức nhất định nhưng việc dòng tiền được khơi thông cũng phần nào hâm nóng lại thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm.
Xem thêm: Dự báo bất động sản 6 tháng cuối năm 2022: Liệu có khởi sắc?
SÀN GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN NASALAND
Địa chỉ : 30 Trần Lựu, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam.
Hotline : (+84)909777500 – (+84)932777400
Email : info@nasaland.vn