Nhìn lại thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022
Mới đây, báo cáo đánh giá thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 của Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã được công bố. Hàng loạt các con số biết nói đã cho thấy sự khởi sắc cũng như những bất cập còn tồn đọng trong thị trường sôi động này.
Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực
Xét về mặt tích cực, sau 2 năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 nói riêng đã có sự tăng trưởng tích cực. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng Cục thống kê:
- GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,94%.
- Chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát ở mức ổn định là 2,44% và 1,25%.
- Số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới là 5.296 doanh nghiệp, tăng 24,8%.
- Số lượng doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động là 1.409 doanh nghiệp, tăng 69,6%.
- Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 3,15 tỷ USD.
Nhiều chính sách mới được ban hành có liên quan tới quản lý đất đai, quản lý thị trường, hỗ trợ vay vốn trong nửa đầu năm 2022 đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt của hoạt động mua bán – sáp nhập. Điều đó phần nào hỗ trợ các dự án gặp khó khăn được tiếp cận nguồn vốn và nhà đầu tư có năng lực tốt hơn.
Diễn biến chung của thị trường bất động sản nửa đầu 2022
Bước ra khỏi 2 năm Covid-19, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 được kỳ vọng sẽ nhanh chóng khởi sắc. Tuy nhiên, những diễn biến thị trường theo báo cáo lại không thực sự tươi sáng như mong đợi.
- Nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các loại hình và phân khúc đều hạn chế.
- Nhà ở, đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút được sự quan tâm nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2022. Tình hình giao dịch các sản phẩm bất động sản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2021 tuy nhiên đang có xu hướng chững lại.
- Giá giao dịch các sản phẩm bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở, đất nền trên thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 vẫn có xu hướng tăng và giữ ở mức cao so với năm 2021.
- Tình trạng đấu giá đất, đẩy giá bán lên cao so với giá khởi điểm sau đó bỏ cọc xuất hiện tại nhiều địa phương (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Đắk Lắk,…) gây mất ổn định thị trường.
- Biến động giá giao dịch bình quân cả nước đối với nhà ở, đất nền có sự gia tăng đáng kể.
- Bất động sản công nghiệp vẫn là loại hình có sự tăng trưởng tốt và là ngành dẫn đầu trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Nguyên nhân khiến thị trường bất động sản khó khởi sắc như kỳ vọng
Những diễn biến chung của thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 đang chứng minh vẫn còn những bất cập khiến thị trường sôi động này khó lấy lại phong độ.
Dòng vốn bị thu hẹp
Đầu tiên, nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 từ tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ. Lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới đều có sự sụt giảm so với các năm trước. Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao bao gồm một số phân khúc của bất động sản, ngân hàng nhà nước vẫn đang định hướng kiểm soát chặt chẽ hơn vốn tín dụng. Điều này gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn vốn và ảnh hưởng tới nguồn cung của các loại hình, phân khúc bất động sản.
Lãi suất cho vay tăng
Dưới áp lực lạm phát và việc lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại tăng lên, đến cuối quý II/2022, một số ngân hàng đã quyết định điều chỉnh tăng lãi suất cho vay. Thêm vào đó, tính đến cuối tháng 6/2022, nhiều ngân hàng thậm chí đã chạm trần tín dụng. Ngay cả khi khách hàng có nhu cầu thực mua nhà để ở cũng gặp khó khăn để có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Tăng lãi suất cho vay đồng nghĩa với việc chi phí vốn của nhà đầu tư tăng lên. Dó đó, đây là một trong những yếu tố gây bất lợi lớn cho sự phát triển của thị trường bất động sản. Việc tăng lãi suất còn gây tác động làm giảm hiệu quả của các gói hỗ trợ kinh tế từ Chính phủ. Cụ thể đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% đang được triển khai, lãi suất cho vay sau khi đã được hỗ trợ 2% sẽ chỉ thấp hơn chút ít hoặc thậm chí không đổi so với mức lãi suất cho vay giai đoạn trước đó.
Chậm giải ngân khiến nhiều dự án lao đao
Các dự án đầu tư công mặc dù vẫn đang được đẩy mạnh thực hiện tuy nhiên giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 mới chỉ đạt con số 25,68% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều dự án hoàn thành chậm tiến độ do sự chậm trễ trong việc phân bổ vốn đầu tư công, dẫn đến nhiều hậu quả về kinh tế như lãng phí vốn, tăng chi phí dự án khi thời gian thi công kéo dài hơn dự kiến.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng có thể ảnh hưởng đến các nguồn vốn đối ứng khác của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vốn huy động xã hội, uy tín quốc gia và niềm tin của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán bị tác động tiêu cực
Trước những sai phạm của nhiều cá nhân, tổ chức trong hoạt động phát hành trái phiếu, các giao dịch mua bán cổ phiếu bị kê khai, xử lý đã khiến thị trường chứng khoán biến động tiêu cực trong ngắn hạn. Trong đó nhóm cổ phiếu giá trị cho nhóm ngành bất động sản giảm tới 40-50% so với đầu năm, khiến vốn hóa của các doanh nghiệp bất động sản và dòng vốn vào thị trường bất động sản đều giảm. Dòng vốn huy động cho thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 trên sàn chứng khoán theo đó cũng cũng suy giảm.
Tổng kết về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022
Với những diễn biến không quá khả quan của thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022, việc quản lý nhà nước cần có những giải pháp thiết thực hơn trong các vấn đề về vốn hóa và chính sách pháp lý. Hy vọng với những nỗ lực này, thị trường bất động sản nửa cuối năm 2022 sẽ bùng nổ như mong đợi.
SÀN GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN NASALAND
Địa chỉ : 30 Trần Lựu, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam.
Hotline : (+84)909777500 – (+84)932777400
Email : info@nasaland.vn