TP HCM: Người dân có thể phải nộp lệ phí lên đến 1 tỷ đồng khi sở hữu bất động sản thứ hai
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Bao gồm đề xuất tăng mức thu liên quan đến bất động sản thứ hai trở lên, cụ thể là phí trước bạ khi mua và nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập cá nhân đối với việc bán nhà đất thứ hai trở lên. Theo đó, mức phí trước bạ có thể lên tới 1 tỷ đồng/hồ sơ.
Nội dung đề xuất trong dự thảo nghị quyết thay thế
Theo nội dung đề xuất, phương án 1 là thu thuế đối với nhà ở và bất động sản không được chủ sở hữu hoặc gia đình trực tiếp sử dụng. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quy định căn cứ tính thuế, phương pháp tính và thời hạn áp dụng.
Phương án 2, HĐND TP.HCM sẽ quyết định áp dụng mức tăng, đặc biệt là nâng mức thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng bất động sản thứ hai trở lên từ 0,5% thành 2% giá trị chuyển nhượng. Mức tối đa một hồ sơ chuyển nhượng theo đó tăng từ 500 triệu đồng/hồ sơ lên 1 tỷ đồng/hồ sơ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc thu phí đối với những người sở hữu từ hai bất động sản trở lên sẽ hướng hành vi mua bán, chuyển nhượng nhà đất trên thị trường theo hướng lành mạnh và bình ổn hơn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu mua thực của dân, nhu cầu kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp và nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà đất.
Ngoài ra, đề xuất này được dự đoán sẽ làm giảm tình trạng đầu cơ nhà đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đây cũng là nền tảng cho các chính sách chung trong tương lai.
Những bất cập khi thực hiện đánh thuế bất động sản thứ hai
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, đưa ra góc nhìn về đề xuất TP.HCM thử nghiệm thu thuế bất động sản thứ hai trở lên. Ông nhận định nếu kế hoạch này được thực hiện sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường.
Trước hết, đề xuất này sẽ khiến các nhà đầu cơ bất động sản tìm cách tránh phải đóng thuế. Ví dụ như họ sẽ nhờ người thân đứng tên bất động sản, việc thu thuế cũng sẽ tiềm ẩn nhiều khó khăn bất cập.
Khi thực hiện đánh thuế bất động sản thứ hai còn làm suy giảm thanh khoản của thị trường trong ngắn hạn do tình trạng mất cân đối giữa giá mua và giá bán, khi người mua phải cân nhắc phần thuế mới và người bán để đảm bảo lợi nhuận sẽ cộng thêm giá trị của phần thuế này.
Mặt khác, khi nhà đất ở TP.HCM bị đánh thuế cao, phí trước bạ tăng, dòng vốn sẽ dịch chuyển về các tỉnh lân cận. Do đó, vẫn chưa rõ liệu đề xuất này có thể ngăn chặn đầu cơ và tăng thu cho thành phố hay không. Nhưng khi áp dụng vào thực tiễn nó sẽ vô tình đẩy mức giá lên cao và chồng thêm khó khăn cho thị trường đang ảm đạm hiện nay.
Giải pháp khi đề xuất đi vào thực tiễn
Trước những bất cập mà đề xuất trên tạo ra, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định, thu thuế căn nhà thứ 2 là cần nhưng chỉ nên áp dụng khi cơ sở dữ liệu liên quan đến thị trường này trở nên rõ ràng, đầy đủ và mang tính công bằng về giá trị. Do đó, cần phải minh bạch về giá cả giao dịch thực tế và cập nhật thường xuyên.
Một điều quan trọng cũng cần được làm rõ đó là mức thuế chịu thu phải được quy định dựa trên giá trị bất động sản. Có những người sở hữu bất động sản thứ hai trị giá hàng chục tỷ đồng, trong khi những người khác chỉ sở hữu bất động sản thứ hai giá vài trăm triệu. Việc hai đối tượng trên phải chịu cùng một mức thuế là không hợp lý.
Bên cạnh đó cũng cần phải có chính sách quy định rõ, đâu là đối tượng bất động sản bị thu thuế. Ví dụ như có nhiều trường hợp người dân mua nhà ở TP.HCM nhưng lại có nhà đất được thừa kế, cho tặng ở tỉnh khác thì cũng cần phải làm rõ có thuộc đối tượng chịu thuế hay không.
Đối với việc dòng vốn có thể đổ về những tỉnh thành lân cận khi TP HCM bị đánh thuế, nên áp dụng thu thuế bất động thứ hai trở lên đồng bộ tại nhiều tỉnh thành.
Việc đề xuất thu thu thuế bất động sản thứ hai của TP.HCM nhằm quản lý, điều tiết thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ BĐS là đúng đắn. Tuy nhiên, TP.HCM phải tính đến nghiên cứu, xác định mức thu phù hợp, đối tượng thu để người dân đồng thuận thực hiện.